iColor Branding
#
Vi - Đại sứ thương hiệu iColor Branding

Hành trình
10 năm đổi mới

Việt Nam - Vision - Victory

Được tạo ra bởi đội ngũ nhân sự iColor Branding.
Vi là một chú Robot đại diện cho trí tuệ, tốt bụng, tinh thần phụng sự và giúp đỡ cộng đồng của iColor

Những quan niệm sai lầm trong xây dựng nhãn hiệu

Khi nghĩ đến xây dựng nhãn hiệu, không ít doanh nghiệp chỉ đơn giản nghĩ đến hình ảnh của một logo hay một tấm danh thiếp. Một số doanh nghiệp lại suy nghĩ theo một thái cực khác là phải đầu tư rất nhiều tiền bạc để làm nên những nhãn hiệu nổi tiếng như Apple hay Virgin nhưng chẳng bao giờ có đủ ngân sách để làm điều đó…
Khi nghĩ đến xây dựng nhãn hiệu, không ít doanh nghiệp chỉ đơn giản nghĩ đến hình ảnh của một logo hay một tấm danh thiếp. Một số doanh nghiệp lại suy nghĩ theo một thái cực khác là phải đầu tư rất nhiều tiền bạc để làm nên những nhãn hiệu nổi tiếng như Apple hay Virgin nhưng chẳng bao giờ có đủ ngân sách để làm điều đó…
Xây dựng nhãn hiệu không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những hình ảnh đẹp nhưng cũng không phải là một điều gì đó vượt quá tầm với của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có suy nghĩ đúng đắn và đầu tư thích đáng cho nó. Trong quá trình này, doanh nghiệp cần tránh những quan niệm sai lầm phổ biến sau đây.
1. Xây dựng nhãn hiệu là việc rất khó khăn
Thực tế, xây dựng nhãn hiệu không quá khó khăn như một số doanh nghiệp hay tưởng tượng. Doanh nghiệp chỉ cần tập trung suy nghĩ để trả lời cho câu hỏi “Mình đại diện cho cái gì, cho ai?” và cam kết truyền tải thông điệp đó trong mọi hành động của doanh nghiệp bằng hình ảnh và thông qua trải nghiệm tạo ra cho khách hàng.
Doanh nghiệp phải luôn thận trọng và thường xuyên kiểm tra một cách có hệ thống tất cả các tài liệu, quy trình kinh doanh, quy trình phục vụ khách hàng, quy trình truyền thông để đảm bảo rằng hình ảnh và thông điệp của nhãn hiệu mà doanh nghiệp muốn xây dựng được thể hiện rõ ràng và nhất quán.
Doanh nghiệp cũng cần phải cam kết với tất cả những giá trị của mình và đảm bảo rằng mọi các nhân viên và đối tác hiểu được và luôn quan tâm tới các giá trị đó.

2. Xây dựng nhãn hiệu rất tốn kém

Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng nhãn hiệu hiệu quả với bất cứ mức ngân sách nào. Chìa khóa để xây dựng nhãn hiệu thành công là xác định rõ được đối tượng khách hàng lý tưởng mà doanh nghiệp muốn gửi các thông điệp kinh doanh liên quan trực tiếp đến nhu cầu và lợi ích của họ.
Khi đã xác định được điều đó, doanh nghiệp sẽ có thể làm việc hiệu quả hơn với một nhà thiết kế để tạo thiết kế logo, brochure, trang web và xây dựng những trải nghiệm cho khách hàng qua những công cụ này.
Tính nhất quán và rõ ràng trong xây dựng thông điệp tiếp thị là những yếu tố mà doanh nghiệp không phải tốn quá nhiều tiền bạc mới đạt được. Nhưng những yếu tố đó sẽ giúp doanh nghiệp có được những người hâm mộ nhãn hiệu.
Do vậy, vấn đề không phải là bỏ ra hai triệu hay 20 triệu đồng để thiết kế một logo, mà điều quan trọng là logo có thể chuyển tải được chính xác những điều mà doanh nghiệp muốn nói, giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng hay không.

Mặt khác, vì nhãn hiệu không chỉ là một logo hay một chương trình quảng cáo nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể thể hiện những giá trị của nhãn hiệu thông qua các chính sách và quy trình làm việc với khách hàng.
Chẳng hạn, có thể tạo ra một lời nhắn cho hộp thư thoại hay một thông điệp sau chữ ký của thư điện tử để phản ảnh những giá trị mà doanh nghiệp muốn thể hiện và tạo ra một hình ảnh khác biệt cho mình.

3. Xây dựng nhãn hiệu chẳng có tác dụng gì

Hình ảnh của một nhãn hiệu có thể tạo ra một doanh nghiệp lớn hoặc ngược lại, giết chết một công ty. Nếu nghĩ rằng một nhãn hiệu chẳng có một tác động tài chính nào thì đó là sai lầm. Trên thực tế, các nhà đầu tư có thể bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại một nhãn hiệu mạnh, tức mua lại một cơ sở khách hàng trung thành rộng lớn.
Người tiêu dùng thì có thể bỏ ra gấp nhiều lần số tiền so với giá bán một sản phẩm mang nhãn hiệu bình thường để mua một sản phẩm tương tự mang nhãn hiệu nổi tiếng hơn.
Nói cách khác, một nhãn hiệu mạnh sẽ cải thiện đáng kể doanh thu và lợi nhuận của một doanh nghiệp vì nó định hướng cho mọi hoạt động tiếp thị và tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp. Nó còn mách bảo cho doanh nghiệp nên quảng cáo ở đâu, nên liên kết, hợp tác với ai, nên định giá sản phẩm ra sao…
4. Tất cả các nhà thiết kế đều như nhau

Một số nhà thiết kế hay các công ty quảng cáo, truyền thông có thể hiểu và truyền tải thông điệp của doanh nghiệp rất hiệu quả, số còn lại không thể làm được điều ấy.
Nếu một nhà thiết kế không hỏi khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là ai hay doanh nghiệp muốn truyền tải đến khách hàng những thông điệp gì qua các yếu tố hình ảnh, mà chỉ hỏi doanh nghiệp thích màu gì và thích ý niệm nào thì tốt rõ ràng, nhà thiết kế đó thuộc loại xoàng.
Làm việc với một nhà thiết kế xoàng có thể tiết kiệm được tiền, nhưng nếu thông điệp được thiết kế không tạo ra doanh thu và số lượng khách hàng cần thiết thì cũng vô ích.
Các nhà thiết kế giỏi hiểu được tác động của hình ảnh, kiểu chữ, màu sắc và không gian lên các mối liên hệ tiềm thức giữa khách hàng với doanh nghiệp và sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang mời chào. Các nhà thiết kế giỏi cũng là những người có nhiều kinh nghiệm để đưa ra những lời tư vấn hay giải pháp rõ ràng.

5. Xây dựng nhãn hiệu có tác dụng tức thời

Khách hàng cần phải có thời gian để trải nghiệm về một nhãn hiệu trước khi trở nên gắn bó với nó. Do đó, doanh nghiệp phải làm cho nhãn hiệu của mình xuất hiện ở mọi “điểm tiếp xúc” với khách hàng. Xây dựng nhãn hiệu chính là cố gắng “giành lấy một phần tâm trí” của khách hàng mà thôi.
Doanh nghiệp cần tránh thay đổi nhãn hiệu quá thường xuyên. Dĩ nhiên, khi nhận được phản hồi không tốt từ thị trường về nhãn hiệu, doanh nghiệp cần phải thay đổi, nhưng hãy đi từ những thay đổi nhỏ.
Vấn đề quan trọng ở đây là ngay từ đầu doanh nghiệp phải xác định một chiến lược lâu dài và một thông điệp phục vụ cho chiến lược đó. Không nên hay đổi thông điệp thường xuyên mà chỉ nên thay đổi cách thể hiện thông điệp để nó tạo ra sự đồng cảm cao nhất từ phía khách hàng.