iColor Branding
#
Vi - Đại sứ thương hiệu iColor Branding

Hành trình
10 năm đổi mới

Việt Nam - Vision - Victory

Được tạo ra bởi đội ngũ nhân sự iColor Branding.
Vi là một chú Robot đại diện cho trí tuệ, tốt bụng, tinh thần phụng sự và giúp đỡ cộng đồng của iColor

Gạo ST25 nguy cơ bị mất thương hiệu tại USA

Gạo ST25 nguy cơ bị mất thương hiệu tại USA. Trên lý thuyết, cơ hội đòi lại nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn

Trước cảnh báo về việc thương hiệu gạo ST25 ngon nhất, nhì thế giới đã bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, nguy cơ gạo ST25 bị mất thương hiệu khiến dư luận lo lắng.
Đang chờ xử lý
Tra cứu thông tin công khai trên WIPO – cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25. Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ “Gao Thom ST25” “Dac san Soc Trang” nộp đơn ngày 22-10-2020; Transworld Foods đăng ký bảo hộ “VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG”, nộp đơn ngày 1-9-2020 và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18-6-2020. Cả 3 đơn đăng ký bảo hộ trên đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.

Gạo ST25 đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng

Theo luật sư Vũ Xuân Lâm (chuyên về sở hữu trí tuệ), trong trường hợp này chủ sở hữu tại Việt Nam có thể khiếu nại đến USPTO để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành thủ tục đăng ký “chính chủ”. “Giai đoạn này xử lý đơn giản và đỡ tốn kém nhất vì khi USPTO đã cấp bảo hộ cho tổ chức, cá nhân khác thì đòi lại rất khó. Để thực hiện, chủ sở hữu gạo ST25 cần chứng minh về việc sử dụng nhãn hiệu, sự nổi tiếng của sản phẩm… Thường thì những vụ việc này luật sư phía Mỹ sẽ xem xét và báo giá chi phí cho chủ sở hữu. Theo kinh nghiệm của tôi, phí tối thiểu là 75.000 USD để khiếu nại 3 tổ chức, cá nhân trên” – luật sư Lâm tiết lộ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu quốc tế cho biết nguyên tắc của luật pháp Mỹ trong vấn đề sở hữu trí tuệ là ưu tiên cho người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu (first-to-use) chứ không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký như quy định của Việt Nam. Đây là lý do các nhà nhập khẩu gạo ST25 tại Mỹ có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài ra, trong quá trình xử lý hồ sơ, không phải thông tin luôn được cập nhật trên hệ thống WIPO nên có thể có nhiều hơn 3 tổ chức, cá nhân cùng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên nhưng thông thường sẽ không được cấp bảo hộ trùng nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” bộ giống lúa gạo ST25 nổi tiếng, cho hay ông đã biết được thông tin về việc “đứa con cưng” của mình bị người khác đăng ký bảo hộ tại Mỹ. “Nhưng tôi không làm được gì vì không rành pháp luật về lĩnh vực này. Tôi chỉ tập trung vào chuyên môn của một nhà khoa học về chọn tạo giống lúa” – ông Hồ Quang Cua bày tỏ.
Chậm là mất
Bình luận về việc gạo ST25 bị người ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam – nói: “Không hề ngạc nhiên! Trong lĩnh vực này luôn luôn phải nhanh, hễ chậm là mất, sơ hở là mất. Chi phí để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ khoảng 1.000 USD/đơn. Để chắc chắn, doanh nghiệp nào cũng phải đăng ký “bao vây” các nhãn hiệu tương tự như: ST25, ST26, Gạo ngon nhất thế giới 2019… nên chi phí sẽ nhân lên. Ngoài ra, còn phải mua ngay tên miền các nhãn hiệu trên để sử dụng sau này. Đầu tư ban đầu sẽ tốn phí nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với trường hợp bị người khác đăng ký trước. Ngay chính Vinamit cũng từng mất thương hiệu ở nước ngoài và chúng tôi đã phải tốn nhiều năm cùng nhiều tiền của mới đòi lại được” – ông Viên cho biết.
Ông Viên cũng chia sẻ thêm: “Ngay khi gạo ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, tôi đã đặt vấn đề với tác giả mua lại quyền quản lý thương hiệu gạo ST25 và trả phí cho tác giả theo kilogram lúa gạo bán ra như thông lệ nhưng tác giả không đồng ý. Những vấn đề về phát triển thị trường, thương hiệu cần có người chuyên nghiệp trong khi nhóm tác giả đều là những nhà khoa học. Tôi thật sự tiếc về việc hợp tác không thành công, không chỉ tôi mà những đơn vị chuyên nghiệp khác đã ngỏ lời muốn quản lý thương hiệu gạo ST25” – ông Viên bộc bạch.
Trước đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nêu quan điểm vấn đề bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước cần sự chủ động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ thông tin chứ không can thiệp được.

Thị trường Mỹ chiếm 98%
Một báo cáo thống kê mới đây cho thấy trong quý I/2021, Việt Nam đã xuất khẩu 1.900 tấn gạo ST25, vượt xa lượng xuất khẩu của cả năm 2020 (hơn 1.200 tấn). Trong đó, lượng gạo ST25 xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỉ trọng lên đến 98% (năm 2020 chiếm hơn 90%). Thống kê chủng loại gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 cho thấy nếp chiếm tỉ trọng cao nhất với 34%, còn ST25 chiếm tỉ lệ 0,22%.

Nguồn: Bài và ảnh: NGỌC ÁNH nld.com.vn


Logo thương hiệu gạo ST25

Logo thương hiệu gạo ST25. Theo đó, bao bì gạo ST25 thật sẽ được ghi đầy đủ các thông tin như: Tiêu chuẩn đóng gói: ISO 22000:2018 – HACCP; Logo…

Sử dụng logo khi chưa được sự đồng ý là trái pháp luật

Sử dụng logo khi chưa được sự đồng ý là trái pháp luật. Sử dụng logo, bộ nhận diện của Hội LHPN Việt Nam trên sản phẩm áo dài…, một cửa…

Hành trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cà phê chất lượng cao Arabica Lạc Dương

Hành trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cà phê chất lượng cao Arabica Lạc Dương. Ngày 26/3, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và Công ty The Married…