iColor Branding
#
Vi - Đại sứ thương hiệu iColor Branding

Hành trình
10 năm đổi mới

Việt Nam - Vision - Victory

Được tạo ra bởi đội ngũ nhân sự iColor Branding.
Vi là một chú Robot đại diện cho trí tuệ, tốt bụng, tinh thần phụng sự và giúp đỡ cộng đồng của iColor

Apple nổi tiếng nhờ giữ bí mật

Trong khi các doanh nghiệp tìm đến blog hoặc Twitter như một kênh quảng bá ít tốn kém nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sản phẩm và cho chính doanh nghiệp của mình, Apple lại quay lưng với một lý do…

Apple là một trong những công ty “hấp dẫn” nhất thế giới. Tuy nhiên, có một xu hướng hấp dẫn mà công ty này chối bỏ: trò chuyện với thế giới thông qua blog và cung cấp những thông tin lý thú về hoạt động của công ty.
Tại Apple, đã có nhân viên bị sa thải vì tiết lộ thông tin cho người bên ngoài. Công ty này cũng được biết đến vì cung cấp thông tin gây lạc hướng về kế hoạch sản phẩm đến chính nhân viên của mình.
Mark Hamblin, người từng làm việc về công nghệ màn hình cảm biến cho điện thoại iPhone trước khi rời Apple năm ngoái, nói: “Họ khiến mọi người trở nên vô cùng, vô cùng hoang tưởng về vấn đề bảo mật. Tôi chưa từng thấy một điều như thế tại những công ty khác.”

Bí mật của Apple

Tuy nhiên, cách thức công ty xử lý thông tin về sức khỏe của ông Steve Jobs, Giám đốc điều hành và người đồng sáng lập Apple, là chưa từng có tiền lệ, ngay cả so với những tiêu chuẩn của chính công ty này.
Bất chấp sự quan tâm mạnh mẽ của giới truyền thông và nhà đầu tư về tình hình sức khỏe của ông Jobs sau khi ông nghỉ phép để chữa bệnh từ tháng Giêng năm nay, đại diện của Apple liên tục từ chối đề cập vấn đề này, viện lý do chấp hành quy định của công ty.
Mãi đến cuối tháng Sáu, người phát ngôn Apple mới thông báo rằng ông Jobs đã trở lại văn phòng làm việc vài ngày một tuần và thời gian nghỉ phép chữa bệnh kéo dài hơn năm tháng nhưng không nói chính xác là khi nào. Người này cũng xác nhận rằng ông Jobs đã được cấy ghép gan.
Sự kín đáo của Apple không chỉ là một chiến lược truyền thông phổ biến, mà nó dường như đã ăn sâu vào trong văn hóa của công ty này. Nhân viên làm việc trong những dự án siêu bí mật phải đi qua một loạt cánh cửa an ninh và trải qua nhiều thủ tục an ninh để vào văn phòng của mình, theo lời một cựu nhân viên Apple từng làm tại những khu vực này. Người này cho biết thêm rằng những nơi làm việc ở Apple thường được giám sát bởi camera an ninh. Trong khi đó, nhân viên làm việc trong những phòng thử nghiệm sản phẩm phải dùng áo khoác đen để che các thiết bị lại khi làm việc với chúng.
Các nhân viên Apple thường cũng ngạc nhiên như người ngoài khi có sản phẩm mới của công ty được tung ra thị trường. Edward Eigerman, một kỹ sư hệ thống từng làm việc bốn năm tại Apple, nhớ lại: “Tôi đã dự một buổi giới thiệu thiết bị iPod. Nhưng không ai trong số những người mà tôi làm việc biết về thiết bị này.” Ông Eigerman bị Apple sa thải năm 2005 khi được nhắc đến trong một vụ việc, trong đó một đồng nghiệp của ông để rò rỉ thông tin về phần mềm mới cho một khách hàng. Theo ông Eigerman, Apple thường xuyên tìm cách truy tìm và sa thải những người để rò rỉ thông tin.

Bảo vệ bí mật bằng mọi giá

Quyết định hạn chế tiếp xúc với giới truyền thông, cổ đông và công chúng của Apple đi ngược lại xu hướng của nhiều công ty khác, vốn đang đón nhận các công cụ truyền thông trực tuyến như blog và Twitter.

Một cựu nhân viên Apple khác tiết lộ rằng Philip Chiller, Phó chủ tịch cấp cao về tiếp thị của Apple, thường chủ trì những cuộc gặp nội bộ về sản phẩm mới và cung cấp thông tin không chính xác về giá và tính năng của một sản phẩm nào đó. Sau đó, Apple tìm cách truy ra nguồn cung cấp thông tin có chứa những chi tiết sai nói trên cho giới truyền thông.
Apple cũng vài lần nhờ đến pháp luật để bảo vệ sự bí mật của mình. Năm năm trước, Apple khởi kiện một số blogger viết về công ty với cáo buộc họ đã vi phạm luật bí mật thương mại. Tuy nhiên, nỗ lực này không thành khi một tòa án ở bang California (Mỹ) đã ra phán quyết có lợi cho những blogger nói trên và Apple phải trả 700.000 đô-la Mỹ chi phí pháp lý. Ngoài ra, Apple cũng kiện một blog gọi là Think Secret. Vụ kiện này được dàn xếp sau đó, và blog Think Secret phải đóng cửa như là một phần của sự thỏa thuận.
Regis McKenna, một chuyên gia tiếp thị nổi tiếng tại Thung lũng Silicon và từng là cố vấn về chiến lược truyền thông cho Apple trong những ngày đầu, nói rằng thứ “văn hóa bí mật” nói trên xuất phát từ sự kiện Apple tung ra chiếc máy tính Macintosh đầu tiên. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Microsoft và Sony biết về thiết bị này trước khi nó được công bố. Ngoài ra, theo ông McKenna, có một điều mà ít người biết là ông Steve Jobs là người không thích nói về cuộc sống riêng của mình.
Quyết định hạn chế giao tiếp với các phương tiện truyền thông, cổ đông và công chúng của Apple đi ngược lại với nhiều công ty khác, vốn đang đón nhận những công cụ trực tuyến như blog, Twitter và thường tìm cách cởi mở với cổ đông và khách hàng. Gene Munster, một nhà phân tích tại Piper Jaffray, nhận định: “Họ không giao tiếp. Đó hoàn toàn là một chiếc hộp đen.
Một số chuyên gia cho rằng sự kín đáo của Apple có thể làm tăng thêm tính ngạc nhiên và hào hứng cho những lần công bố sản phẩm mới, nhưng lại không giúp gì cho công ty trong những lĩnh vực khác. Ông Charles Elson, Giám đốc Trung tâm quản lý doanh nghiệp John L. Weinberg thuộc Đại học Delaware, nhận định: “Trong một môi trường mà sự minh bạch đóng vai trò quan trọng, bạn cung cấp thông tin cho thị trường càng nhiều thì càng tốt hơn. Đối với một công ty xem mình là phát minh sáng tạo như Apple, hơi lạ khi họ lại nổi tiếng vì sự thiếu cởi mở của mình”.
(Theo TBKTSG/The New york TimesAP)